CHUYỆN DỜI NON 

Chính  Đức Giê-su nói: « Chỉ cần một đức tin bằng hạt cải, anh em có thể nói với ngọn núi kia: hãy dời khỏi đây! Và núi sẽ chuyển đi. Chẳng có gì mà không thể làm được ».

Quả thật, đây là một trong những lời bí ẩn của Tân Ước, dĩ nhiên là đối với tôi. Các giáo phụ, những nhà thần học, các thánh, cũng đã vất vả với câu này. Chúng ta không được hiểu nó – cũng như câu : « Hãy xin thì sẽ được nhận lời » - một cách tầm thường, và nói, ừ giờ mình có đức tin rồi đây, nếu mình muốn, mình có thể dời ngọn Montecassino này. Núi ở đây phải hiểu là những gì cản bước đời ta. Và chúng thường còn nặng hơn những ngọn núi được vẽ trên bản đồ. Thực tế, ta có thể thắng được những ngọn này, nếu ta bỏ mình hướng theo Chúa. 

Phải chăng đó chỉ là một thứ thần chú, một lối tự kỉ ám thị ?

Hành vi đức tin không phải là chuyện nhập tâm một ý tưởng, hay việc gán cho nó một khả năng nào đó. Hành vi đức tin hệ tại ở niềm tin Thiên Chúa đang có đó, và tôi có thể trao thân vào cánh tay Ngài. Và rồi núi cũng phải dời đi.

Liên quan tới chuyện này, Đức Ki-tô đã dùng dụ ngôn hạt cải, là một thứ hạt bé nhất trong các loại hạt, thế mà cuối cùng hạt đó đã thành một thân cây lớn, chim trời tới làm tổ. Hạt cải, một mặt, nói lên sự bé mọn – nỗi nghèo hèn của tôi -, mặt khác cũng chứa đựng tiềm năng lớn lên. Như thế, trong hạt cải ẩn chứa một hình ảnh sâu xa về đức tin. Theo đó, đức tin không phải chỉ là việc chấp nhận một số giáo huấn, nhưng nó là hạt giống sự sống trong tôi. Tôi chỉ trở thành một kẻ tin đúng nghĩa, khi đức tin trong tôi trở nên như một mầm sống động, ở đó một thứ gì mọc lên, thoạt tiên thực sự làm biến đổi đời tôi, rồi từ đó mang vào thế giới một cái gì mới. 

 Đức Giê-su đã có một lời hứa quan trọng, Ngài nói: « Những điều tôi giảng không phải là của tôi, nhưng là của đấng đã sai tôi. Ai thực hành í của Thiên Chúa, người đó sẽ tự nhận ra, những điều đó xuất phát từ Thiên Chúa hay từ chính tôi ». Và ngay những người Pha-ri-sêu thời đó cũng phải thốt lên: « Chưa bao giờ thấy ai nói năng như ông này ».

Đúng i như điều chúng ta đang suy gẫm. Chân lí trong lời dạy của  Đức Giê-su không mang tính lí thuyết. Nhưng nó như một công thức kĩ thuật : hãy thử làm đi rồi mới thấy sự đúng đắn của nó. Chân lí lời Chúa nói ở đây kéo theo toàn bộ con người, kéo theo cả cuộc đời thử nghiệm. Tôi chỉ có thể nhận ra chân lí đó, bao lâu tôi vâng theo í Chúa, những gì mà Ngài đã tỏ ra cho tôi biết. Í của Tạo hoá chẳng phải là cái gì xa lạ, ở ngoài, nhưng nằm sẵn trong chính tôi. Và qua thử nghiệm cuộc sống, ta sẽ thật sự nhận ra phải sống thế nào mới đúng. Cuộc sống sẽ không thoải mái, nhưng sẽ đúng. Nó sẽ không hời hợt, hứng thú, nhưng sẽ đưa tới một niềm vui sâu xa đúng nghĩa.

Đó cũng là tín hiệu các Thánh mang lại cho chúng ta, là đã có những người đã vâng theo í Chúa trong cuộc thử nghiệm đời sống. Các ngài đúng là ánh sáng cho nhân loại, là bảng dẫn đường giúp ta lái cuộc đời đi sao cho đúng hướng. Tôi tin rằng, đó là nền tảng cho toàn bộ câu hỏi về chân lý Ki-tô giáo. 

<